[WRITING SERIES] – Phần 01- Cách giải đề trong IELTS Writing.

LỜI MỞ ĐẦU

Trong IELTS Writing task 2, có một loại câu hỏi rất thường xuất hiện, đó là Do you agree or disagree with this opinion? hoặc To what extent do you agree or disagree? Thí sinh chỉ có một yêu cầu duy nhất, đó là trả lời rằng bản thân đồng ý, hay không đồng ý với ý kiến của đề bài. Nguyên tắc chung khi trả lời các câu hỏi trong IELTS: Đề hỏi gì, trả lời nấy, liên quan và gãy gọn. Dẫu biết là vậy, nhưng việc đảm bảo rằng một câu trả lời có thực sự liên quan và thỏa mãn được câu hỏi hay không thì hoàn toàn không đơn giản, mà trên thực tế lại đòi hỏi thí sinh có tư duy biện luận rất tốt, không có thói quen ngụy biện và có khả năng giữ bản thân không bị lạc đề. Việc này thậm chí không dễ dàng thực hiện ngay cả trong tiếng mẹ đẻ. Dưới đây là ba ví dụ trong tiếng Việt minh hoạ cho việc câu trả lời thỏa mãn và không thỏa mãn được câu hỏi của người hỏi, từ đó người đọc có thể suy ra phiên bản tiếng Anh khi được viết trong bài thi IELTS. 

 

Câu hỏi: Nhiều người cho rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí là tăng giá xăng dầu. Bạn có đồng ý hay không?

Câu trả lời 1: Giải pháp này là giải pháp tối ưu nhất, bởi vì nó không chỉ giải quyết ô nhiễm môi trường mà còn giảm kẹt xe và tai nạn giao thông. 

Câu trả lời 2: Mặc dù tăng giá xăng dầu có thể giải quyết một số vấn đề về môi trường, nhưng sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân và nền kinh tế. 

Câu trả lời 3: Mặc dù tăng giá xăng dầu là một giải pháp tốt để giải quyết một số vấn đề về môi trường, nhưng đây không phải là giải pháp tốt nhất. 

→ câu trả lời 1 dù nghe hợp lý nhưng không thực sự liên quan, vì đề bài chỉ hỏi giải pháp này có phải là tốt nhất cho môi trường không, chứ không phải cho giao thông. Còn câu trả lời 2 lại càng không thể hiện được lập trường của người viết, không thể suy ra được giải pháp của đề bài có phải tốt nhất hay không. Đây là hai hướng trả lời rất phổ biến trong các bài làm của các thí sinh, nhưng không thoả mãn được câu hỏi của đề bài “cách tốt nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí có phải là tăng giá xăng dầu hay không?→ nếu như là trong Reading thì hai lập luận này tương đương đáp án Not Given vì không thể suy ra từ đề bài. Trong khi đó, câu trả lời 3 lại có thể thỏa mãn được câu hỏi của đề bài vì đã nêu ra được lập trường của người viết đối với đề bài: Không đồng ý rằng đây là biện pháp tốt nhất. 

Có nhiều nguyên nhân khiến cho thí sinh dễ dàng đưa ra những lập luận không liên quan đến câu hỏi của đề bài, một trong số đó là tính “mở” của dạng đề này. Khác với dạng Cause-Solution (thí sinh phải trình bày đủ nguyên nhân-giải pháp) hoặc dạng Pros-Cons (thí sinh phải trình bày đủ thuận-bất lợi của một vấn đề), những đề bài của dạng Agree-Disagree chỉ đòi hỏi thí sinh trình bày ý kiến cá nhân về vấn đề được ra không theo một khuôn khổ nào, miễn là thỏa mãn được câu hỏi được đưa ra ở đề bài. Tuy nhiên, cũng chính vì mang tính “mở” như vậy, thí sinh không được “cầm tay chỉ việc” như các dạng đề còn lại. Những dạng đề càng có nhiều yêu cầu thì việc thí sinh đi lệch khỏi đề bài càng ít có khả năng xảy ra, vì thí sinh chỉ việc làm theo từng yêu cầu của đề bài là xong. Trong khi đó, với dạng Agree/Disagree, thường xuyên xảy ra tình trạng thí sinh không biết bắt đầu viết từ đâu, hoặc đưa ra câu trả lời một cách chung chung hoặc không liên quan. 

 

Đứng trước những khó khăn trong việc đảm bảo một câu trả lời có thoả mãn được đề bài hay không, học viên có thể dựa vào một số cách phân loại đề bài sau đây để giảm thiểu việc lạc đề, cũng như tiết kiệm thời gian trong việc lên dàn bài và có định hướng tốt hơn trước khi viết bài: 

  • Dạng 2: Đề bài đưa ra một sự so sánh
  • Dạng 3: Đề bài đưa ra một đề xuất
  • Dạng 4: Đề bài đưa ra một nhận xét chung chung 
  • Dạng 5: Đề bài có nhiều vế, kết hợp hai dạng trên.

Đây cũng là 5 dạng chính thường thấy trong các dạng câu hỏi Agree-Disagree, sau khi hiểu rõ cách tư duy ở mỗi dạng, thí sinh sẽ có thể tránh được việc trả lời bị lệch so với câu hỏi của đề bài, đồng thời tăng được khả năng tư duy logic, phản biện không chỉ trong IELTS mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi dạng sẽ là một phần trong chuỗi Series – Agree/Disagree trong IELTS Writing.

ĐĂNG KÝ HỌC THỬ & KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ MIỄN PHÍ NGAY TẠI THE MENGLISH HOME 

 

One thought on “[WRITING SERIES] – Phần 01- Cách giải đề trong IELTS Writing.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học thử